Connect with us

Hi, what are you looking for?

Bất Động Sản EVERLANDBất Động Sản EVERLAND

Đầu Tư

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Chiến lược “lấy đại dương nuôi

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Chiến lược “lấy đại dương nuôi đất liền”Xung quanh chiến lược về phát triển biển, đảo, đại dương, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư về…

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Chiến lược “lấy đại dương nuôi đất liền”

Xung quanh chiến lược về phát triển biển, đảo, đại dương, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư về việc phát huy tiềm năng, tận dụng thế mạnh của kinh tế biển, đảo.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Được biết, ông không sinh ra ở vùng biển nhưng cả cuộc đời gắn bó với biển, nghiên cứu và giảng dạy về biển với những thành quả tuyệt vời. Có cơ duyên đặc biệt nào tạo nên sự gắn bó này không, thưa ông?

Đúng là cơ duyên và bối cảnh. Tôi sinh ra ở mảnh đất Hưng Yên – một vùng quê yên ả ven chân đê sông Hồng đỏ ngầu phù sa. Thuở ấu thơ gắn liền với hình ảnh sông nước (mùa lũ), triền đê, bãi bồi phù sa sông mầu mỡ, tắm sông và lặn ngụp. Nước sông Hồng mát rượi, những tháng hè nóng bức ra sông tắm, tôi hiểu rằng sông chảy ra biển. Biển cả trong tôi khi đó chỉ vỏn vẹn có thế.

Đến năm 1969, tốt nghiệp Trường phổ thông cấp III Chu Văn An Hà Nội, tôi được nhận vào học tại Khoa Địa lý-Địa chất, Đại học tổng hợp Hà Nội. Tại đây, khi học đại cương về Khoa học Trái đất, tôi đã mê ngay biển và đại dương, và khi tốt nghiệp năm 1974 tôi được phân công về công tác tại Viện Nghiên cứu biển tại Hải Phòng (thuộc Viện Khoa học Việt Nam khi đó).

Sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và quản lý biển tôi đeo đuổi từ đây cho đến tận hôm nay, và vị mặn của biển đã ngấm vào máu thịt. Thật hạnh phúc khi cả đời được làm việc mình đam mê. Và dịp đi vận động cử tri bầu cử Quốc hội khoá XV tại đơn vị bầu cử thành phố Hải Phòng, tôi đã nói rằng “cử tri thành phố gửi gắm niềm tin vào tôi chính là giúp tôi trả nghĩa ân tình cho lãnh đạo và nhân dân thành phố cửa biển mà tôi yêu dấu”.

Chúng ta thường nói, Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, vậy chúng ta có đang tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế này trong việc phát triển kinh tế không, thưa ông?

Đất nước ta ba phần là biển – một không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) và nối liền một dải với phần lãnh thổ đất liền. Cho nên, biển đảo luôn luôn và mãi mãi quan trọng đối với dân tộc Việt Nam ta. Khi chúng ta nói “biển bạc” cũng hàm ý rằng biển của ta giàu và đẹp, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ như lời Bác Hồ đã căn dặn (1959): “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!”.

Thấm nhuần tư tưởng và ý chí biển cả của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt biển, đảo và kinh tế biển ở vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển đất nước. Đây là một hướng đi đúng, một cách nhìn xa trông rộng, một tầm nhìn toàn diện. Người Việt Nam ta đã gắn bó và ra khai thác biển, đảo từ thời xa xưa, không nhớ tự bao giờ. Thời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói: Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ- Đất Việt trăm năm vững trị bình.

Biển, đảo nước ta có vị trí địa chiến lược trọng yếu, tiềm chứa những các giá trị đa dạng và lợi thế vượt trội ở cấp quốc gia và toàn cầu – tiền đề cho phát triển đa ngành và bền vững kinh tế biển. Trong hơn 30 năm đối mới vừa qua, cùng với sự đổi thay của đất nước, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, khoảng 58%, trong đó kinh tế thuần biển khoảng 7%.

Trong các nghị quyết của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội định kỳ 10 năm, kinh tế biển luôn được xác định là then chốt, đóng góp cho việc bảo đảm vững chắc an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước. Hiện nay, cả nước đang nỗ lực phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, làm sao có “của ăn, của để”, góp phần thực hiện “Khát vọng Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Là một người dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về biển, đảo, ông nhận thấy trong cách ứng xử với biển hiện nay chúng ta có “lỗi” nào hay không? Làm sao để hạn chế “lỗi”, nếu có?

Như đã nói trên, biển đảo mang lại cho đất nước ta đủ thứ, nhất là các giá trị thương hiệu biển đặc biệt, các giá trị văn hoá biển đặc trưng, và là chỗ dựa sinh kế lâu bền của người dân. Tuy nhiên, hằng năm biển cũng bòn rút đi nhiều thứ do cả thiên tai, biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương và cả nhân tai trong bối cảnh phức tạp và khó lường ở Biển Đông. Nhưng công bằng mà nói, mức độ mất đi bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và cách ứng xử của chính con người chúng ta.

Hiện nay, bên cạnh những thành tựu đáng kể từ khai thác, sử dụng biển, thì biển vẫn tiếp tục bị đầu độc bởi các nguồn thải vào biển không qua xử lý, bởi cách ứng xử thiếu thân thiện của con người trong khai thác biển, bởi phát triển “nóng” và nạn khai thác tài nguyên biển – ven biển quá mức. Ảnh hướng xấu như vậy biểu hiện, ở mức độ khác nhau, trong tất cả các phân ngành/lĩnh vực của kinh tế biển, khiến cho biển đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh biển phi truyền thống, với sự phát triển thiếu bền vững, nguồn vốn tự nhiên biển bị hao kiệt ở mức “báo động”, nguy cơ mất dần sự sống của các loài. Cuối cùng sẽ tác động trở lại đến mục tiêu phát triển kinh tế biển của đất nước.  

Bởi thế, nhiệm vụ sắp tới, về đại thể, chúng ta phải kiên quyết giữ được những thứ chưa mất, “đòi lại” bằng được những thứ đã mất, lấy lại cân bằng sinh thái tự nhiên của các vùng biển, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên và vốn văn hoá cho phát triển kinh tế biển xanh, giải thiểu rác thải nhựa, tái cơ cấu kinh tế biển, kiểm soát tốt các nguồn thải vào biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển các ngành/lĩnh vực kinh tế biển xanh và tái tạo.

Và để sửa chữa các “lỗi” nói trên cần chú ý quán triệt các yêu cầu giải pháp (tương ứng 6 động từ hành động) cơ bản sau: Duy trì nguồn vốn tự nhiên biển; Bảo tồn thiên nhiên biển, bao gồm cảnh quan biển; Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; Phát triển hiệu quả kinh tế biển dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh và tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển và kinh tế biển; Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.      

Vậy để đánh thức tiềm năng của “biển bạc” có phải bằng cách chúng ta đang làm hiện nay là hình thành mạng lưới đô thị biển, thưa ông?

Về bản chất, các hệ thống tài nguyên biển có tính chia sẻ (Shared resources) và một hệ thống tài nguyên hay một vùng biển đều là đối tượng sử dụng đa ngành (Multi-use). Cho nên, để đánh thức tiềm năng của “biển bạc” không phải chỉ tập trung phát triển một ngành nào, mà phải chấp nhận phát triển hài hoà giữa các ngành, quan trọng là phải biết liên kết giữa chúng để tối ưu hoá lợi ích kinh tế cho một đơn vị biển, trong khi vẫn giảm thiểu được xung đột lợi ích.

Vùng ven biển nước ta được xem là vùng kinh tế động lực, là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của các ngành. Trong đó, khoảng 60% các đô thị lớn với hơn 50% dân số cả nước tập trung ở 28 tỉnh/thành phố trung ương ven biển. Kinh tế của các tỉnh đóng góp lớn cho kinh tế đất nước như nói trên, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các đô thị ven biển.

Trong khi, du lịch, cảng,…được xem là phân ngành của kinh tế biển, còn kinh tế các đô thị ven biển vẫn chưa từng được đề cập khi bàn đến kinh tế biển. Cho nên, việc hình thành mạng lưới đô thị biển hiểu theo đúng nghĩa của nó là cần thiết, bao gồm: đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo (Island city), và đô thị trên biển (Ocean-based city), bao gồm cả loại hình đô thị ngầm dưới đáy biển (Under-ocean city) trong tương lai. Phát triển hệ thống đô thị biển như vậy để Việt Nam thục sự tiến biển, để không đứng mãi ở ven bờ. Đó là vấn đề sinh tồn và là chiến lược sống còn nhờ vào biển, “lấy đại dương nuôi đất liền”.

Nhìn lại quá khứ, các đô thị ven biển trên thế giới và ở nước ta đều đã dựa trên mô hình: cảng – biển – đô thị – công nghiệp – dịch vụ, như TP.Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang,… Gần đây, mô hình này tiếp tục mở rộng và phát triển hoặc sẽ phát triển theo hướng đó, như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai-Dung Quất.  Kéo theo các cảng nước sâu sẽ là các khu kinh tế biển và rồi sẽ là thành phố cận kề cảng biển.

Đô thị đảo ở nước ta, ngoài các thị trấn của 12 huyện đảo, thì mới có Thành phố Phú Quốc được Chính phủ quyết định thành lập, nhưng khâu chuẩn bị quy hoạch chưa đúng tinh thần “từ sớm, từ xa” nên đang có những khó khăn phải điều chỉnh. Và, muốn có đô thị nổi trên biển, đô thị chìm dưới đáy biển, cũng phải chuẩn bị từ bây giờ, đến khi cần là ứng xử được ngay, không bị vấp váp.

Thưa ông, có nguyên tắc nào chúng ta cần tuân thủ khi đánh thức tiềm năng kinh tế biển không?

Như trên đã nói, tài nguyên biển phân bố theo không gian ba chiều, mang tính xuyên biên giới, và gồm các hệ tài nguyên chia sẻ. Biển, đảo là đối tượng sử dụng đa ngành, nhưng vẫn được quản lý theo ngành (khoảng 15 bộ, ngành và 28 địa phương ven biển), gây ra mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian sử dụng cần phải giảm thiểu. Đồng thời, lĩnh vực biển, đảo đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, quy mô phát triển kinh tế biển nước ta hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển đem lại.

Vì vậy, để tiến ra biển, khắc phục các khó khăn vướng mắc trên, cần phải đầu tư cho kinh tế biển phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, duy trì tính bền vững về môi trường và có sự quản lý thống nhất về mặt nhà nước. Biển phải được quản lý theo phương thức tổng hợp, dựa theo cách tiếp cận quản lý không gian với sự hỗ trợ của công cụ phân vùng chức năng và quy hoạch không gian biển đã được quy định trong Luật Quy hoạch 2017.

Đây là những nguyên tắc và vấn đề mới mẻ đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam nói chung và về biển nói riêng. Quản lý tổng hợp biển đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành và giải quyết đồng bộ các quan hệ khác, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển đến năm 2030 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước. Đó cũng là nội hàm của công tác quy hoạch không gian biển nước ta hiện nay.

Để “mạnh từ biển, giàu từ biển” như mục tiêu của Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 đề ra, theo ông chúng ta cần chú trọng những giải pháp gì?

Bài học của thế giới cho thấy, một quốc gia muốn trở thành một cường quốc biển phải: Áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp biển với những cơ chế chính sách liên ngành, liên vùng, liên cơ quan; Phải thống nhất quản lý nhà nước về biển thông qua một thể chế quản trị đủ mạnh;  Khoa học – công nghệ tiên tiến và hiện đại, áp dụng không chỉ trong điều tra, nghiên cứu biển mà còn trong khai thác, sử dụng biển; Khai thác, sử dụng không gian biển, đảo hiệu quả, có chọn lọc, tiết kiệm tài nguyên.

Ví dụ, muốn có công nghiệp đánh bắt hải sản thực sự hiệu quả thì phương tiện, phương pháp đánh bắt cũng phải khác. Hệ thống quản lý, thông tin liên lạc cũng phải khác. Gọi mãi không biết nhau ở đâu giữa đại dương mênh mông ấy thì làm sao đón lõng, bắt được những đàn cá di cư đúng độ tuổi, đúng chất lượng.

Trong điều kiện nguồn lực eo hẹp của chúng ta, Chiến lược biển đến 2030 chỉ đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển. Các giải pháp chủ yếu là: Chính sách biển và kinh tế biển bền vững phải được hoàn thiện; Khoa học-công nghệ  biển phải tiến tiến; Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực biển là khâu đột phá; Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; Bảo vệ môi trường biển hiệu quả, trong đó có rác thải nhựa; Phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng Việt Nam; Phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển biển, đảo mang tính đa dụng; Hợp tác, hội nhập quốc tế về biển thực sự và hiệu quả; Giữ gìn hoà bình ở Biển Đông.

Khi nhắc đến biển chúng ta thường nói tới vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia, ông nhìn nhận thế nào về tình hình biển, đảo hiện nay và cần những biện pháp nào để có thể bảo vệ vững chắc bờ cõi?

Chủ quyền, các quyền và lợi ích khác của Việt Nam trên Biển Đông hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982, và được thể hiện trong các Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam: về các vùng biển của Việt Nam (1977), về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải (1988); trong quy định của Luật Biên giới quốc gia (2003) và Luật biển Việt Nam (2012).

Tình hình Biển Đông hiện “vẫn yên, mà không ổn”. Cục diện Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, chứa đựng yếu tố khó lường. Lợi ích trong vùng biển này vẫn mang tính chất đan xen giữa các nước trong khu vực, giữa các nước trong và ngoài khu vực, giữa các nước lớn, giữa khu vực và toàn cầu.

Nếu tình hình không được quản lý tốt, linh hoạt và không khéo thì không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh khu vực và thế giới. Đối với Việt Nam, tình hình biển đảo như vậy có tác động, tuỳ từng mức độ, đến không gian kinh tế biển và mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững.

Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các bất đồng về vấn đề biển bằng các biện pháp hoà bình; không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực, nhưng kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích khác của nước ta ở Biển Đông. Tiếp tục củng cố đoàn kết nội khối trong ASEAN, hợp tác cùng Trung Quốc chuẩn bị một Quy tắc ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) có ràng buộc pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. 

Xin cảm ơn ông!

You May Also Like

Đầu Tư

Đi qua những ngày sóng gió, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hơn 10 năm có mặt tại Hà Tĩnh, Formosa không những...

Thị Trường

Dự án Nhà ở xã hội khu quy hoạch 5B - CC5 tìm được nhà đầu tưCông ty cổ phần Địa ốc Kim Thi...

Thị Trường

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt...

Giao dịch

Khu vực  đông dân cư hàng xóm thân thiện an ninh tốt Gần chợ, trường học , trường chính trị , khu đấu giá...